13/6/2021 Kỷ niệm 50 ngày công bố
Almut Finck
Đỗ Kim Thêm dịch
Ngày này 50 năm trước, Nhật báo New York Times lần đầu tiên công bố một phần của „Tài liệu Ngũ Giác Đài (Pentagon Papers)“, đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức về chiến tranh Việt Nam. Những tiết lộ này là khởi điểm cho sự kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của Richard Nixon.
Ngày 4 tháng 8 năm 1964 là ngày làm việc đầu tiên của Daniel Ellsberg tại Ngũ Giác Đài. Nhà phân tích và cố vấn chính trị 33 tuổi vẫn chưa ngồi tại bàn làm việc mới của mình vào buổi sáng, và một người chuyển cho anh một bức điện tín hoả tốc:
„Chiến hạm Mỹ tại vịnh Bắc Bộ đã nổ súng ở ngoài khơi bờ biển Bắc Việt.“
Mỗi phút, nhiều bức điện khác đến và các cuộc tấn công mới luôn được báo cáo. Lyndon B. Johnson phản ứng nhanh chóng. Ông yêu cầu Quốc hội bật đèn xanh để ông được phép ra lệnh phản công quân sự, ngay cả khi không có tuyên chiến chính thức. Ông cũng đòi tiền, rất nhiều tiền cho các cuộc hành quân trong cuộc chiến chống Cộng sản Bắc Việt.
Nghị quyết Bắc bộ – Sai lầm của Hoa Kỳ trong việc lãnh đạo chiến tranh
Với cái gọi là Nghị quyết Bắc Bộ, tổng thống có được cả hai. Về mặt nội chính, đó là một thành công lớn. Johnson muốn được tái đắc cử vào mùa thu, và bây giờ ông có thể tự dàn dựng cho mình như một mẩu người của hành động:
„Chính phủ của chúng tôi quyết tâm thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tự do và hòa bình ở Đông Nam Á.“
Nghị quyết Bắc bộ trở thành nền tảng của một cuộc chiến tranh cuồng nộ trong mười một năm, trong đó có 58.000 lính Mỹ và hàng triệu người Việt Nam thiệt mạng. Điều mà người dân Mỹ và ngay cả Daniel Ellsberg không ngờ được vào thời điểm đó là: Vụ việc ở Vịnh Bắc Bộ không phải là một sự khiêu khích của Bắc Việt. Người Mỹ đã nổ súng. Một vị đô đốc quá nhiệt tình đã nghĩ rằng tiếng gió và sóng ở vị trí điện tử là ngư lôi.
Daniel Ellsberg – Người tố giác từ Ngũ Giác Đài
Ngày nay, chúng ta biết được việc này là nhờ Daniel Ellsberg. Trong nhiều năm, Ellsberg đã ủng hộ sự tham gia của Hoa Kỳ tại Việt Nam và giữ im lặng, mặc dù là nhân chứng của chuyện dối trá và một chiến dịch che đậy trước công chúng mà các giới chức chính trị cao cấp tìm cách biện minh cho cuộc chiến. Và rồi Ellsberg không thể im lặng được nữa.
Vào tối ngày 1 tháng 10 năm 1969, Ellsberg đã đánh cấp vài trăm trang tài liệu ra khỏi két sắt của Rand Cooperation, một tổ chức nghiên cứu, nơi đang làm việc. Tài liệu này là một phần của một công trình nghiên cứu nội bộ về quân sự được Robert McNamara, Bộ trưởng Quốc phòng và Kiến trúc sư của chiến tranh Việt Nam, uỷ nhiệm vào năm 1967.
Tiết lộ về Việt Nam với 7.000 trang
Với trên tổng cộng 7000 trang, được gọi là “Tài liệu mật về Ngũ Giác Đài, (Pentagon Papers)” phác hoạ lại cách mà Hoa Kỳ lâm vào một cuộc chiến càng ngày càng sâu đậm mà họ không thể thắng, vì họ đã cố gắng giải quyết một cuộc xung đột giống như nội chiến ở Đông Nam Á với các phương tiện đã được chứng minh trong Thế chiến thứ hai, như nhà sử học Bernd Greiner giải thích:
„Tại sao sức mạnh quân sự vượt trội không thể buộc một hệ thống toàn trị cuối cùng phải khuất phục? Đó là một bẩy sụp tinh thần mà cả một thế hệ đã lầm lẩn.“
Trong nhiều tháng, vào ban đêm và trong bí mật, Ellsberg sao chép từng trang của các tài liệu gây chấn động khi cậu con trai 12 tuổi của Ellsberg đứng trước cửa và xoá dấu, cô con gái loại bỏ các ghi chú „tối mật“ khỏi mỗi trang giấy. Sau đó, Ellsberg đi đến New York Times. Vào ngày 13 tháng 6 năm 1971, tờ báo công bố những phần đầu của „Tài liệu Ngũ Giác Đài“.
Bắt đầu kết thúc cho nhiệm kỳ của Tổng thống của Nixon
Tổng thống Nixon tức giận, Nhật báo New York Times bị tòa án cấm phổ biến thêm các phần khác của tài liệu nghiên cứu. Washington Post tiếp tục in. Đây là cách công chúng Mỹ biết rằng Hiệp định Geneva đã bị vi phạm. Những thành công quân sự đó đã được công bố một cách có chủ ý khi vấn đề ở Việt Nam từ lâu đã là không lối thoát. Giới trẻ Mỹ đã được đưa vào chổ chết. Mọi người đang xuống đường biểu tình: „Chúng tôi muốn hòa bình ở Việt Nam.“
Khi tòa án tha bổng Daniel Ellsberg về tội phản quốc, Tổng thống Nixon sử dụng các giới chức tình báo để do thám và đánh bại Ellsberg. Sau đó, cùng nhóm người này, họ đã thực hiện vụ đột nhập vào trụ sở của đảng Dân chủ: Watergate và Nixon ra đi vào năm 1974 khi tuyên bố: „Tôi sẽ từ chức tổng thống vào trưa mai.“
Hiện nay, Daniel Ellsberg đã được 90 tuổi, một người đã áp dụng tinh thần bất tuân dân sự qua việc rò rỉ “Tài liệu Ngũ Giác Đài”. Năm 2011, cùng với hàng trăm nhà hoạt động khác, Ellsberg đã biểu tình chống lại cuộc chiến ở Iraq và bị bắt trước Nhà Trắng.
3 Gedanken zu “Tài liệu mật của Ngũ Giác Đài về Chiến tranh Việt Nam”