Đỗ Kim Thêm dịch

Chủ nghĩa dân tộc không phải là cách để đối đầu với một loại virus mà nó không quan tâm với vấn đề quốc tịch. Hiện nay, vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả đã có sẵn, Hoa Kỳ có bốn lý do chính để lãnh đạo một nỗ lực giống như Kế hoạch Marshall để tiêm chủng cho các nước nghèo trên thế giới.
Một thế kỷ trước, dịch cúm đã giết chết nhiều người hơn là trong Thế chiến thứ nhất. Ngày nay, dịch COVID-19 đã giết chết nhiều người Mỹ hơn là trong tất cả các cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ kể từ năm 1945. Tuy nhiên, một sự khác biệt lớn là khoa học không có vắc-xin cho vi-rút cúm vào thời điểm đó, nhưng bây giờ một số doanh nghiệp và quốc gia đã tạo ra vắc-xin cho COVID-19.
Một số nền dân chủ giàu có, bao gồm Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, đã tiêm vắc-xin cho hơn một nửa dân số trong tuổi trưởng thành của họ và chứng kiến sự suy giảm đáng kể về số ca bệnh và tử vong mới. Những nơi khác, chẳng hạn như Ấn Độ, Brazil và một vài nơi của châu Phi, có tỷ lệ tiêm chủng thấp và tỷ lệ tử vong và ca bệnh mới cao. Tạp chí The Economist ước lượng rằng số người chết thực sự của đại dịch trong toàn cầu có thể là mười triệu người, hoặc nhiều hơn ba lần các con số chính thức do các chính quyền quốc gia báo cáo.
Với những con số thống kê khủng khiếp này, các nhà lãnh đạo của các quốc gia giàu có nên xuất khẩu vắc-xin và giúp tiêm vắc-xin cho người nước ngoài trước khi họ làm xong việc tiêm chủng này ở trong nước? Khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố „Nước Mỹ trên hết“, ông đã ứng xử phù hợp với lý thuyết dân chủ, theo đó các nhà lãnh đạo được giao nhiệm vụ bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của những người đã bầu cho họ. Nhưng như tôi đã lập luận trong cuốn sách Do Morals Matter? Vấn đề quan trọng là làm thế nào các nhà lãnh đạo xác định lợi ích quốc gia. Có một sự khác biệt chủ yếu về đạo đức giữa một định nghĩa theo cách giao dịch thiển cận, giống như định nghĩa của Trump, và một định nghĩa rộng rãi mang tầm nhìn xa hơn.
Hãy xét đến việc Tổng thống Harry Truman tán thành Kế hoạch Marshall sau Thế chiến thứ hai. Thay vì khăng khăng một cách hẹp hòi là đòi các đồng minh châu Âu của Mỹ trả các khoản vay trong chiến tranh, như Mỹ đã yêu cầu sau Thế chiến thứ nhất, Truman dành hơn 2% GDP của Mỹ để hỗ trợ phục hồi kinh tế của châu Âu. Quá trình này cho phép người châu Âu chia sẻ trong việc soạn thảo kế hoạch tái thiết lục địa và tạo ra một kết quả tốt đẹp cho họ, nhưng điều đó cũng phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ trong việc ngăn chặn sự kiểm soát của Cộng sản đối với Tây Âu.
Có bốn lý do chính tại sao một nỗ lực giống như Kế hoạch Marshall để tiêm phòng cho người dân ở các nước nghèo là vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.
Đầu tiên, đó là vì lợi ích y tế của người Mỹ. Virus không quan tâm đến quốc tịch của con người mà chúng giết. Virus chỉ đơn giản là tìm kiếm một vật làm nơi dung chứa để cho phép chúng sinh sản, và số đông của những người chưa được tiêm chủng cho phép chúng đột biến và phát triển các biến thể mới, làm cho chúng có thể trốn tránh các biện pháp bảo vệ mà vắc-xin của chúng ta tạo ra.
Với việc du lịch hiện đại, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các biến thể vượt qua các biên giới quốc gia. Nếu một biến thể mới phát sinh có khả năng vượt qua các loại vắc-xin tốt nhất của chúng ta, chúng ta sẽ phải phát triển một loại liều thuốc có tác dụng mạnh hơn, nhắm đúng mục tiêu vào biến thể mới và tiêm vắc-xin một lần nữa, điều này có thể dẫn đến nhiều trường hợp tử vong hơn và gây căng thẳng hơn đối với hệ thống y tế Hoa Kỳ, cũng như gây phong tỏa và thiệt hại kinh tế.
Giá trị của chúng ta cung cấp lý do thứ hai mà Kế hoạch Marshall vắc-xin là vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Một số chuyên gia về chính sách đối ngoại đối chiếu với các giá trị về lợi ích, nhưng đó là một sự phân đôi sai lầm. Các giá trị của chúng ta là một trong những lợi ích quan trọng nhất của chúng ta, bởi vì chúng cho chúng ta biết chúng ta là ai trong tư cách là một con người. Giống như hầu hết mọi người, người Mỹ quan tâm đến người cùng quốc tịch hơn là với người nước ngoài, nhưng điều đó không có nghĩa là họ thờ ơ với sự đau khổ của người khác. Có ít người bỏ qua tiếng kêu cứu từ một người chết đuối vì người ấy kêu bằng tiếng nước ngoài. Và trong khi các nhà lãnh đạo bị hạn chế bởi dư luận trong một nền dân chủ, họ thường có quyền thay đổi lộ trình để định hình cho chính sách – và các nguồn lực đáng kể để ảnh hưởng đến tâm lý công chúng.
Lợi ích quốc gia thứ ba, liên quan đến thứ hai, là quyền lực mềm – khả năng gây ảnh hưởng đến người khác thông qua việc tạo thu hút hơn là do gây ép buộc hoặc chuyện chi trả. Các giá trị của Mỹ có thể là một nguồn lực của sức mạnh mềm khi những người khác coi các chính sách của chúng ta là tốt lành và hợp pháp.
Hầu hết các chính sách đối ngoại kết hợp quyền lực cứng và mềm. Ví dụ, Kế hoạch Marshall dựa vào các nguồn lực kinh tế mạnh mẽ và và viện trợ, nhưng nó cũng tạo ra thanh danh về tính tốt lành và tầm nhìn xa gây thu hút cho người châu Âu. Như nhà khoa học chính trị Na Uy Geir Lundestad đã lập luận, vai trò của Mỹ ở châu Âu sau chiến tranh có thể giống như một đế chế, nhưng đó là „một đế chế theo lời mời“. Chính sách giúp đỡ các nước nghèo bằng cách cung cấp vắc-xin, cũng như hỗ trợ phát triển năng lực của hệ thống y tế của chính họ, sẽ làm tăng sức mạnh mềm của Hoa Kỳ.
Cuối cùng, có sự cạnh tranh địa chính trị. Trung Quốc nhanh chóng nhận ra rằng quyền lực mềm của họ phải chịu đựng về chuyện của COVID-19 bắt nguồn ở Vũ Hán. Không phải chỉ là nguồn gốc của virus không rõ ràng, mà còn trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng, việc Trung Quốc kiểm duyệt và phủ nhận đã làm cho cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn mức cần thiết trước khi phong tỏa độc đoán tỏ ra là thành công. Kể từ đó, Trung Quốc đã quyết liệt theo đuổi một nền ngoại giao COVID-19 ở nhiều nơi trên thế giới.
Bằng cách tặng thiết bị y tế và vắc-xin cho các quốc gia khác, Trung Quốc đã làm thay đổi câu chuyện quốc tế từ một trong những chuyện lỗi lầm thành một trong những chuyện thu hút. Chính quyền Biden đã đuổi bắt kịp chuyện này, khi thông báo là sẽ phát hành 60 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, cũng như 20 triệu lần tiêm thêm vắc-xin Pfizer, Moderna và Johnson &Johnson. Ngoài ra, chính quyền đã cam kết tài trợ 4 tỷ đô la cho cơ sở COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới để giúp các nước nghèo mua vắc-xin và hỗ trợ miễn tạm thời vấn đề quyền tài sản trí tuệ để giúp các nước nghèo phát triển năng lực.
Nói tóm lại, vì bốn lý do chính phù hợp với lịch sử, giá trị và lợi ích riêng của Mỹ, Hoa Kỳ nên lãnh đạo một nhóm các quốc gia giàu có trong một kế hoạch tiêm chủng cho các nơi còn lại của thế giới ngay cả trước khi công việc tiêm chủng ở trong nước kết thúc.
***
Joseph S. Nye, Jr là Giáo sư Đại học Harvard, tác giả sách Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump.