
Bối cảnh vấn đề
Ngày 23 tháng 6 năm 2016 Anh quốc sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định về việc ra đi hay ở lại trong khối Liên Âu, mà họ gọi tắt là Brexit. Vì sao mà Anh có vấn đề Brexit?
Dân Anh mang tâm trạng bi quan về tương lai của khối Liên Âu, lo sợ về sự không chế chính trị của Đức và vai trò quyết định cuả Anh bị hạn chế trong guồng máy. Ngoài khủng hoảng vận hành, di dân, khủng bố và nợ công, nhưng đa số tin là quyền lợi kinh tế của Anh không còn, đó là nguyên nhân chính.
Dân chúng bất bình ngày càng nhiều, nên việc Đảng UK Independence Party (UKIP) thành hình để chống đối là một bằng chứng. Do tài lãnh đạo Nigel Farage gây thu hút mà số lượng ghế trong Quốc hội châu Âu đã tăng từ 3 lên đến 24 ghế và chiếm 13% số ghế trong cuộc bầu cử vừa qua trong Quốc hội Anh. Chiến thắng của Đảng UKIP là một áp lực nặng nề cho Đảng Bảo Thủ.
Tình thế đổi thay, khiến cho chính phủ buộc phải có một số biện pháp như trong hủy bỏ Hiệp ước Tài chính với châu Âu, đề ra các biện pháp kiểm soát ngân sách và nợ công. Chính phủ cũng phải ban hành luật mới quy định là các sự thay đổi Hiệp ước Lissabon phải có trưng cầu dân ý của Anh mới có hiệu lực.
Trước phong trào bài Liên Âu của dân chúng, David Cameron, Đảng Bảo Thủ chủ trương phải thuyết phục nhiều hơn để đạt được những quy chế thuận lợi so với các nước thành viên khác, thí dụ như các biện pháp cắt giảm trợ cấp cho ngoại kiều thuộc Liên Âu đang sống ở Anh và tự do cho ngân hàng của Anh. Quan trọng nhất là Anh nên ở lại trong khối Liên Âu.
Ngược lại, Đảng Lao Động không hài lòng về các thoả thuận mà Anh đã đạt được và cáo giác Thủ Tướng Anh đem tương lai của nước Anh làm một trò chơi may rủi. Giới chống đối ngày càng đông, trong đó có cả một thiểu số thuộc khối Bảo Thủ, thậm chí nhiều bộ trưởng tham gia. Họ công khai cổ vũ cho việc ra đi.
Cuối cùng, trong một cuộc điều trần tại Quốc hội vào năm 2015, Thủ tướng David Cameron, Đảng Bảo Thủ, đã đồng thuận cho việc trưng cầu này, vì ông muốn làm xoa dịu làn sóng chống đối và vừa muốn có triển vọng thắng cử trong lần bầu cử tới.
Anh quốc sẽ đi về đâu sau khi rời khỏi Liên Âu là vấn đề thảo luận trong bài viết này.
Tranh chấp trong quá khứ
Các tranh chấp quyền lợi của Anh trong mối quan hệ với châu Âu là một vấn đề bao gồm nhiều khía cạnh lịch sử, văn hoá, chính trị, kinh tế và điạ lý. Con đường hội nhập của Anh vào châu Âu đầy gian nan. Để hiểu rõ hơn về Brexit, cần biết đến các tranh chấp trong quá khứ.
Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, Winston Churchill đòi phải có một quy chế đặc biệt theo hình thức liên bang cho châu Âu để tránh lâm vào cảnh chiến tranh tái diễn. Anh muốn có một quy chế đặc biệt và đứng ngoài các cuộc tranh chấp. Đó chính là lý do tại sao Anh không tham gia các cuộc thương thuyết trong thời kỳ thành lập vào năm 1951 (Montanunion) cũng như trong thời kỳ Cộng Đồng Kinh tế châu Âu (EEC).
Để đối phó với trào lưu thay đổi, Anh và sáu nước khác đã thành lập Khu vực Tự do Mậu dịch trong năm 1960 (European Free Trade Association).
Đến năm 1973, do tình trạng yếu kém kinh tế khiến hai đảng Bảo thủ và Lao động cùng đồng quan điểm là Anh phải tham gia vào sinh hoạt kinh tế của châu Âu. Trở ngại chính là Anh gặp người chống đối gay gắt: Tổng thống Pháp Charles de Gaulle. Với nhiều lý do khác nhau, ông đã hai lần phủ quyết việc gia nhập. Sau khi ông từ chức thì việc tham gia của Anh mới có kết qủa.
Trưng cầu dân ý đầu tiên
Quyền lợi kinh tế của Anh trong việc tham gia sinh hoạt với châu Âu là nguyên nhân xung đột triền miên trong nội bộ của hai Đảng. Phe cánh tả cực đoan trong Đảng Lao động phản đối kịch liệt, vì họ có khuynh hướng theo dân chủ xã hội và bảo vệ công nhân. Họ lập luận là việc tham gia này không thích hợp với mô hình phát triển kinh tế và xã hội của Anh. Phe hiếu hoà thuộc Đảng Bảo thủ chủ trương nên thân thiện với châu Âu và tìm cách tận dụng mọi cách thương thuyết để bảo vệ quyền lợi cho Anh.
Cuối cùng, tranh chấp được giải quyết qua cuộc trưng cầu dân ý năm 1975. Lần đầu tiên dân chúng Anh quyết định về vấn đề này và kết qủa là có 67% dân chúng đồng thuận cho việc tham gia.
Triển vọng của Brexit
Từ ngày có Brexit cho đến nay, đã có vô số các cuộc thăm do dư luận và nghiên cứu để tìm hiểu triển vọng của vấn đề. Quan điểm của chính giới và dân chúng hoàn toàn dị biệt, vì các lập luận dựa trên các cơ sở khác nhau. Do đó, kết qủa tất cả mọi nghiên cứu đều khác nhau và qua thời gian càng biến đổi. Gần đây, đã có những cảnh báo là không nên dựa theo các công bố nào vì tất cả đều thiên kiến, có thể dẫn đến phân hoá xã hội. Dù kết qủa là gì thì tựu chung Brexit có nhiều điểm chính.
Dân chúng phản đối cơ chế Liên Âu vì họ bị tác động của phong trào toàn cầu hoá, khủng hoảng tài chính, nợ công, khủng bố và di dân. Họ chống lại các đảng phải có truyền thống lâu đời tại Brussel và Luân Đôn. Yếu tố dân số và trình độ cũng là lý do giải thích.
Giới chống đối thuộc thành phần trên 60 tuổi, nghèo, trình độ thấp, muốn thay đổi các thể chế chính trị, nhưng giử quyền lợi vật chất của người Anh, không quan tâm ý kiến của các chuyên gia kinh tế và hành chánh của Liện Âu. Họ cũng không khác gì các nhóm ủng hộ Donald Trump ở Mỹ hay Marie Le Pen ở Pháp. Tỷ lệ dân đồng ý ra khỏi Liên Âu nằm trong biên độ từ 65% cho đến 35%.
Ngược lại, thành phần dân chúng có trình độ cao học, dưới 40 tuổi, có trình độ chuyên nghiệp cao, thu nhập cao là giới đồng thuận cho việc ở lại. Tỷ lệ nằm trong khoản 60% cho đến 40%.
Kết qủa cũng khác biệt tùy theo địa phương. Tại Scottland, 51% dân chúng đồng ý ở lại, trong khi 19% thích ra đi, thành phần còn lại là lưng chừng. Nhưng nếu kết qủa chung cho toàn nước Anh là ra đi, thì sẽ không tránh việc Scottland đòi ly khai hoặc tự trị.
Dân Luân Đôn và các thành phố lớn khác cũng đồng ý ở lại, trong khi dân ở nông thôn thích ra đi hơn.
Các loại đặc quyền: Trợ cấp, Schengen, Euro
Trong khối Liên Âu có 4 nước được hưởng nhiều đặc quyền là Đan Mạch, Irland, Ba lan và Anh, nhưng Anh là nước sử dụng quyền này nhiều nhất và gây ồn ào nhất. Vấn đề quyền lợi của Anh là một chuyện dài không đoạn kết.
Yêu sách nổi tiếng nhất của Anh là tài trợ. Trong những năm của thập niên 80, Thủ tướng Magareth Thatcher than phiền là phần đóng góp của Anh cho ngân sách châu Âu quá cao. Câu nói nổi tiếng của bà luôn được truyền tụng là „I want my money back“. Trong việc hưởng trợ cấp của châu Âu thì Anh bị thua thiệt. Khác với nước Pháp, khu vực sản xuất nông nghiệp nhiều hơn, nên tài trợ cho giá nông sản cho Anh ít hơn.
Áp lực tìm cách xin giảm bớt gánh nặng tài chính của Anh khiến cho châu Âu phải đi đến một hội nghị thượng đỉnh vào năm 1984 để giải quyết. Kết qủa là gần 2/3 số tiền đóng góp của Anh được châu Âu hoàn trả lại cho dân Anh trong các hình thức khác nhau. Tính đến nay Anh đã nhận lại trên 111 tỷ Euro trong nhiều chương trình trợ cấp.
Anh cũng không tham gia Hiệp ước Schengen 1985 và 2005. Quan điểm của Anh là tình trạng luật lệ về tự do di chuyển trong khối châu Âu gây bất lợi cho Anh. Vì không tham gia Hiệp ước Schengen nên người Anh không đuợc quyền tự do di chuyển như Schengen cho phép. Mỗi người dân châu Âu phải chứng minh để được tự do di chuyển khi đến hay đi khỏi nước Anh. Anh được quyền quyết định người dân nước nào xuất hay nhập vào nước Anh. Riêng Anh và Irland đã thoả thuận việc tự do di chuyển trong khu vực, có hiệu lực tương tự như Hiệp ước Schengen.
Anh cũng không tham gia Hiệp ước Maastricht 1992 để sử dụng đồng Euro là phương tiện thanh toán chung trong Liên Âu, nên Anh cũng như Đan Mạch không có trách nhiệm phải tuân theo các quy định về việc bình ổn giá cả và kỷ luật ngân sách như các nước thành viên khác. Anh hoàn toàn độc lập trong các quyết định về tiền tệ và không bị ràng buộc vào các quyết định của Ngân hàng Trung Ương Châu Âu (ECB).
Các nhân vật chính: Ai thích đi và ai thích ở
David Cameron, Thủ tướng, thuộc Đảng Bảo Thủ, thoạt đầu có thái độ chống đối châu Âu, một phần vì ông cũng muốn làm xoa dịu làn sóng bất bình trong Đảng. Năm 2013, ông thương thuyết và gây nhiều áp lực hơn với Brussel để đạt nhiều quyền lợi cho Anh. Đến năm 2016, ông cho rằng đã có một số thành qủa nên cổ vũ cho việc ở lại. Thay đổi quan điểm này của ông làm xáo trộn nội các: có bảy bộ trưởng cương quyết đòi Anh ra đi.
George Osborne là Bộ trưởng Tài chính trong nội các của David Cameron, được suy đoán sẽ là người kế vị cho Cameron. Ông cũng chủ trương ở lại. Gần đây, ông bị chống đối kịch liệt nên phải bỏ kế hoạch về tiết kiệm trong lĩnh vực xã hội.
Jeremy Corbyn là thủ lĩnh cánh tả trong Đảng Lao Động, nhưng lại tỏ ra dè dặt và ủng hộ giải pháp ở lại. Ông lập luận là Luật châu Âu sẽ hữu hiệu trong hai lĩnh vực bảo vệ công nhân và môi sinh. Trong kỳ trưng cầu dân ý đầu tiên vào năm 1975, ông là ngưòi chống đối việc tham gia của Anh và giử thaí độ này trong một thời kỳ dài khi làm dân biểu quốc hội.
Nicola Sturgeron là Chủ tịch Đảng Scottisch National Party (SNP). Bà phê bình chính giới tại Luân Đôn, nhưng nay lại quay ra chống Brexit. Nắm chính quyền tại Scottland, nên bà gây ảnh hưởng khá mạnh trong công luận, bà đe doa là trong trường hợp ra đi của Anh, bà sẽ vận động đòi quyền độc lập cho Scottland. Năm 2014, SNP đã một lần thất bại trong một cuợc trưng cầu dân ý về việc tách ra khỏi Vương quốc Anh.
Boris Johnson là cựu Thị trưởng thành phố Luân Đôn, một chính khách nổi tiếng nhất trong Đảng Bảo Thủ. Từ đầu năm 2016 ông đề xuất việc ra đi, làm trở ngại cho David Cameron. Ông có tham vọng trở thành người kế vị cho Cameron trong trường hợp Anh đồng ý ra đi.
Nigel Farage là chủ tịch Đảng UKIP trong những năm của thập niên 90, một khuôn mặt nổi bật trong việc cổ vũ ra đi. Điều mai miả nhất là ông trở thành nghị viên của Quốc hội châu Âu từ năm 1999. Thành công của ông gây cho Cameron nhiều khó khăn, đến đổi cuối cùng Cameron phải đi đến quyết định đưa vấn đề ra thành cuộc trưng cầu dân ý là giải pháp.
Michael Gove là Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong nội các của Cameron. Ông là một trong bảy thành viên trong chính phủ chủ trương ra đi. Dù được David Cameon tín cẩn, nhưng ông tỏ ra chống đối và cho rằng „đây là một quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của ông“.
Gisela Stuart là dân biểu Đảng Lao Động và có gốc Đức. Từ năm 1997 bà là dân biểu làm việc trong lĩnh vực soạn thảo Hiến pháp châu Âu. Bà gây ít nhiều ảnh hưởng nhất là sau khi hợp tác với Gove trong việc chống đối.
Iani Duncan Smith là cựu thủ lĩnh Đảng Bảo thủ. Từ tháng 3 năm 2016 ông đã từ chức Bộ trưởng Bộ Lao Động và Xã Hội sau khi Bộ trưởng Tài chính Osborne cắt giảm chương trình trợ giúp xã hội của ông. Là người chống đối Liên Âu lâu đời, ông muốn từ chức để gây chuyển biến nhận thức trong chính giới hỗ trợ cho việc ở lại.
Nội dung tranh luận trong các Đảng và địa phương
Cameron và Đảng Bảo Thủ đồng ý ở lại. Họ lập luận là khi cắt giảm các biện pháp trợ cấp xã hội cho người di dân, làn sóng này sẽ giảm bớt. Trả tiền phụ cấp cho trẻ con hoàn toàn lệ thuộc vào quyền cư trú. Khi các bậc cha me đến Anh làm việc, con cái ở lại trong xứ của họ, thì họ sẽ không được hưởng quyền này. Anh cũng như châu Âu phải tìm các biện pháp để tăng cường cạnh tranh kinh tế, tạo nhiểu công việc hơn, cụ thể là phải thay đổi Luật Lao động triệt để hơn, giảm bốt chi phí hành chánh. Trước phong trào di dân ồ ạt, thì gia tăng biện pháp kiểm soát tại các biên giới của cảnh sát Anh là quan trọng hơn là trông cậy vào hỗ trợ của Brussel.
Nội các có 16 thành viên và đa số ủng hộ chương trình của Cameon, trong khi có một thiểu số cổ vũ cho việc ra đi. Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove cho là những ràng buộc pháp lý của Anh khi kết ước với Liên Âu là khó khăn chính, trong khi Duncan Scmitt, Bộ trưởng Lao Động đã từ chức, cho là các biện pháp cắt giảm tài trợ xã hội không đem lại kết qủa.
Phân nửa các dân biểu của Đảng Bảo Thủ lập luận là Luật châu Âu bóp nghẹt Anh quá nhiều. Người đứng đầu trong các lập luận này là Boris Johnson. Cáo buộc chính của ông là 60% luật của Anh hiện nay là đến từ Luật châu Âu.
Thực ra, không phải bất cứ Luật châu Âu nào cũng được tư động áp dụng ngay cho Anh. Ngược lại, Anh có đặc quyền cứu xét trước là tủy trường hợp có áp dụng (Opt-ins) hay không (Opt-outs). Thí dụ như trường hợp luật về nhân quyền hay các luật về an ninh và tư pháp, Anh đã xin áp dụng. Gần đây nhất, Anh lại không áp dụng các khoản trợ cấp xã hội cho các người di dân thuộc khối châu Âu sống ở nước Anh.
Boris Johnson cho rằng Anh chi xuất để nuôi cho guồng máy khổng lồ ở Brussel là quá nhiều, mà nhận lại tài trợ chẳng có bao nhiêu. Ông khích động mối lo sợ của dân chúng bằng cách tuyên bố là: „Hàng ngày nước Anh phải chuyển 50 triệu Bảng Anh để nuôi Brussel“. Ông phóng đại con số này, thực ra là không qúa 30 triệu và không đề cập đến các khoản thu mà Anh nhận từ Liên Âu.
Chủ tịch Đảng UKIP là Nigel Farage có lập luận khác hơn. Ở lại theo ông có nghĩa là Anh sẽ không thể kiểm soát phong trào di dân. Thuơng thuyết với Thổ Nhĩ Kỳ qua hình thức miễn Visa của bà Merkel là vô nghỉa.
Phân nửa dân biểu thuộc Đảng Lao Động ủng hộ Cameron khi cho là ở lại là giải pháp khả thi, trong khi Jemery Corbyn lãnh tụ Đảng lại cho rằng trưng cầu dân ý là một chiến thuật theo sự tính toán của Đảng Bảo Thủ nhiều hơn.
Lập luận cho việc ở lại thuyết phục được chính giới nhiều hơn dân chúng: Giao thương của Anh với các nước thành viên khác sẽ đơn giản hơn khi Anh ở lại. Giới trẻ nhập cư là một thuận lợi cho thị trường nhân dụng, một điều kiện cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Anh vẫn còn nắm ưu thế ngoại thương; nhưng nếu ra đi, Anh sẽ gặp khó khăn hơn, nhất là phải thương thuyết lại các hiệp ước.
Các Đảng khác như Đảng SNP và Đảng Dân chủ Tự do cũng đồng thuận các lập luận ở lại này
Về quyền lợi kinh tế của từng địa phương là vấn đề phải quan tâm. Scottland, Wales và Nordirland nhận trợ cấp của Liên Âu nhiều hơn là Anh. Theo ước lượng từ 2014 cho đến 2020, Wales nhận 2 tỷ Euro, Nordirland nhận 500 triệu và Scottland nhận 900 triệu. Ba nơi này tỏ vẻ thân thiện với Liên Âu nhiều hơn là Luân Đôn.
Riêng Scottland phong trào đòi tự trị vẫn luôn là một đe doạ chính trị ngấm ngầm, không những cho chính giới ở Luân Đôn mà còn cho Brussel. Nếu cả dân Anh đồng ý ra đi, thì Scottland có thể không những đòi tự trị mà còn xin gia nhập Liên Âu. Thủ tục gia nhập sẽ nhanh hơn vì Scottland đã áp dụng luật châu Âu từ lâu, nhưng xin ra khỏi Anh là một vấn đề khó khăn khác, vì Scottland cần có sự đồng thuận của Anh, một thủ tục mới và cần có thời gian.
Irland có quan hệ chặt chẻ kinh tế với Anh. Anh nhập cảng rất nhiều mặt hàng của Irland. Nếu Anh ra đi, trào lượng mậu dịch của Irland với Anh sẽ giảm đến 20%, Irland phải tìm các đối tác như Pháp, chuyện sẽ khó khăn hơn. Hiện nay, kinh tế Irland tương đối bình ổn sau khủng hoảng 2008. Tỷ lệ tăng trưởng đang là 6, 9%, một tỷ lệ cao nhất trong Liên Âu. Nếu giá nhập cảng hàng Anh vào Irland sẽ đắc hơn thì tương lai sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.
Ảnh hưỏng của Brexit
Lập luận chính của phe ra đi là Brexit không có gây ảnh hưởng gì xấu đến nền kinh tế Anh. Họ chứng minh là chính luật châu Âu tràn ngập là lý do làm cản trở kinh tế Anh phát triển. Họ dựa theo một tài liệu của OECD để kết luận là Anh là nơi có ít luật kinh tế chi phối nhất. Tham gia Liên Âu không có lợi cho kinh tế cho Anh, kể cả khi Anh có quyền được tự do thâm nhập vào thị trường Liên Âu.
Các chuyên gia tại Brussel cho rằng không ai tiên đoán chính xác được các ảnh hưởng đến các nền kinh tế Anh khi ra đi, nhưng vấn đề sôi bỏng hiện nay là khủng hoảng tỵ nạn, nợ của Hy Lạp, khủng bố và xung đột với Liên Xô, nên Liên Âu không thể xem chuyện thương thuyết mậu dịch với Anh là ưu tiên. Vấn đề hoàn tất thủ tục ra đi không nhanh và dể như phe đòi ra đi ước lượng.
Điều 50 của Hiệp ước Lissabon có quy định thủ tục ra đi: „Mỗi quốc gia thành viên có quyền quyết định phù hợp với Hiến Pháp để rời khỏi LIên Âu“.
Theo thủ tục này, Anh phải thông báo chính thức ý định cho cơ quan Liên Âu và các nước thành viên. Sau đó là tiến hành một cuộc thương thuyết về chi tiết theo đúng luật thủ tục, trong đó kể cả các điều khoản quy định mối quan hệ tương lai của Anh với Liên Âu và các nước khác. Thủ tục kéo dài trong hai năm và kết qủa phải được đa số thành viên Liên Âu cứu xét và chấp thuận. Khó khăn nhất cho Anh làm sao ra đi mà và còn giử quyền thâm nhập vào thị trường Liên Âu như đã có để tiếp tục giao thương như hiện nay. Các hiệp ước tự do mậu với các nước khác thì Anh phải tuần tự đàm phán lại.
Anh có thể làm theo thủ tục của các nước không phải thuộc thành viên Liên Âu như Island, Liechtenstein và Na Uy. Nhưng kinh nghiệm này không thể áp dụng cho Anh trong hoàn cảnh hiện nay. Liên Âu không muốn mất một thành viên quan trọng như nước Anh.
Trong năm 2014, năm đối tác ngoại thương chính của các nước trong Liên Âu với Anh là Đức, số thương vụ là 158 tỷ Euro, Hoà Lan (101 tỷ), Pháp (93 tỷ), Irland (61 tỷ), Tây Ban Nha (53 tỷ). Nếu Anh ra đi, tình trạng sẽ ngưng đọng. Các nươc đối tác bị thiệt hại nặng nề, dù không ai có con số cụ thể về sự thiệt hại này. Một thoả hiệp mậu dịch song phương là chuyện khó khăn trong tương lai, và quan trọng nhất là Anh sẽ không có đầu tư mới.
Đức là một đối tác kinh tế quan trọng với Anh. Đức hiện có 2500 xí nghiệp đủ loại vối 270.000 nhân viên sống và làm việc tại Anh. Ngược lại có khoảng 3000 doanh nghiệp Anh đang hoạt động tại Đức. Theo một thăm dò có 83 % doanh nghiệp Đức phản đối việc ra đi, doanh nghiệp Anh cũng có 76% phản đối tuơng tự.
Gần khoảng 3 triệu người dân Liên Âu sinh sống và làm việc tại Anh. Sau khi Brexit, quy chế cư trú của họ sẽ hoàn toàn thay đổi. Kết quả tùy thuộc vào các cuộc thương thuyết. Chính quyền Anh luôn muốn bảo vệ đặc quyền cho dân Anh trong khi đó Liên Âu cũng muốn dân Liên Âu sông ở Anh có quyền bình đẳng như người Anh.
Tranh chấp có thể xảy ra mà kinh nghiệm của Thụy Sĩ và Na Uy là thí dụ. Người dân Thụy Sĩ và Na Uy, dù không thuộc quy chế của dân Liên Âu, nhưng có toàn quyền di chuyển và cư trú trong toàn khối Liên Âu. Bù lại, Thụy Sĩ và Na Uy cũng cho phép dân Liên Âu đến định cư và làm việc, nhưng phải chứng minh là có hợp đồng làm việc và có lợi tức vửng chắc.
Hiện nay, nhóm người di dân thuộc khối Liên Âu lớn nhất tại Anh là dân Ba Lan, khoảng 830.000, cũng là một gánh nặng cho hệ thông an sinh xã hội.
Di dân trong khối và ngoài khối Liên Âu là một trong những đề tài chính của Brexit. Nếu Anh không cho dân Liên Âu đến cư ngụ và làm việc để bảo vệ cho dân Anh, Liên Âu sẽ xét lại và dân Anh sẽ mất quyền này tại lục địa là chuyện tất yếu.
Giới chuộng ra đi lập luận là Thụy Sĩ và Na Uy là hai tấm gương đề Anh có thể noi theo, hai nước này đứng ngoài khối Liên Âu, nhưng vị thế kinh tế van không bị thiệt hại. Họ đã đơn giản hoá vấn đề một cách sai lầm. Trong châu Âu, đa số các Luật kinh tế là sử dụng Luật châu Âu.
Mọi vấn đề giá trị nền tảng trong Liên Âu đều thay đổi ý nghĩa khi Anh ra đi. Mô hình kinh tế thị trường tự do theo truyền thống Anh không còn và tác động của mô hình kinh tế của Pháp với truyền thống an sinh phúc lợi xã hội sẽ tăng, đặc biệt là việc đòi hỏi trợ cấp sẽ ồn ào hơn.
Lo ngại nhất có lẽ là sự trỗi dậy của Front National của Pháp; Bà Marie Le Pen sẽ có thanh thế và gây khó khăn hơn không những cho Pháp mà cho Liên Âu. Bà sẽ là Madame Frexit cho một trào lưu mới. Hà Lan đã từ chối kết ước hợp tác kinh tế với Ukraine qua một cuộc trưng cầu dân ý gần đây là một hậu quả tương tự trong tình trạng phân hoá tại Liên Âu.
Brexit thành hình trong một thời điểm không thuận lợi cho Liên Âu, vì Liên Âu đang suy yếu mọi mặt. Đòi hỏi ra đi của Anh, dù thuần là kinh tế, cũng tác động làm cho tình hình chung trầm trọng hơn.
Nhưng ảnh hưởng trực tiếp cho Anh là sinh hoạt của trung tâm tài chính Luân Đôn, một nơi giao dịch huyết mạch cho Anh, Liên Âu và toàn cầu. Khi Anh ra đi, thì các định chế tài chính quan trọng như Goldman Sachs, JP Morgan, HSCB chỉ còn cách tháo chạy để tránh các hệ lụy khôn lường này.
Dù sử dụng đồng Bảng Anh làm phương tiện giao dịch chính, nhưng các dịch vụ sử dụng tiền Euro cũng rất lớn. Trước đây, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ này và cho là không nên thanh toán bằng Euro tại thị trường Luân Đôn. Nếu Anh ra đi, việc này sẽ xảy ra, một thất thoát trong nguồn thu về dịch vụ cho Anh. Theo một ước lượng thì 50% các hoạt động dich vụ tài chính quốc tế tại Luân Đôn sẽ suy giảm.
Brexit đồng nghĩa là Anh tự ý bỏ quyền thâm nhập thị trường Liên Âu với 500 triệu dân, từ cô lập chính trị và bắt đầu đàm phám các vấn đề mậu dịch quốc tế. Không những trong Liên Âu mà vị thế của Anh trong kinh tế thế giới sẽ thay đổi khi Anh ra đi. Các Đồng minh phương Tây và các định chế quốc tế đã cảnh báo về mối nguy hiểm này. Tổng Thống Obama cũng đã ý thức khó khăn này và có cảnh báo là Mỹ sẽ không quan tâm để thương thuyết lại; các nước khác cũng không đủ can đảm xếp hàng mà chờ để thương thảo với Anh. Các chuyên gia tiên đoán sẽ phải mất từ 2 năm cho thủ tục này, nhưng thực tế sẽ lâu hơn. Một chính khách quốc tế duy nhất hỗ trợ cho Brexit là Donald Trump.
Trong năm 2015, dung lượng xuất khẩu của Anh là 705 tỷ Euro, (với Liên Âu chiếm 44%, các nước khác ngoài Liên Âu chiếm 56%). Dung lượng nhập cảng là 755 tỷ Euro (với Liên Âu chiếm 53% và ngoài Liên Âu là 47%).
Hiện nay, Anh không còn vị thế siêu cường về hải quân như trong quá khứ, kinh tế Anh chỉ chiếm tỷ trọng 2,4 % trong tổng số GDP toàn cầu, nhưng Anh vẫn còn là một nuớc có tầm ảnh hưởng về kinh tế, văn hoá và quân sự trên toàn thế giới. Không có Anh, Liên Âu sẽ suy yếu hơn về mặt địa chinh trị, một bất lợi to lớn khi so với vị thế của Hoa kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.